Thời Thơ Ấu và Khởi Đầu
Claude Monet sinh ngày 14 tháng 11 năm 1840 tại Paris, Pháp, nhưng ông đã trải qua phần lớn thời thơ ấu ở thành phố cảng Le Havre. Cha của Monet, Adolphe Monet, làm nghề buôn bán tạp hóa, và mẹ của ông, Louise-Justine Aubrée Monet, là một ca sĩ. Cha mẹ ông mong muốn ông theo đuổi sự nghiệp kinh doanh, nhưng Monet đã bị cuốn hút bởi hội hoạ từ khi còn bé.
Tài năng hội hoạ của Monet đã sớm bộc lộ qua sở thích vẽ tranh biếm họa, thường là chân dung của những người địa phương mà ông bán để kiếm tiền. Những bức biếm họa của ông được ngưỡng mộ bởi sự dí dỏm và chính xác, và đây là bước đầu tiên trong hành trình trở thành một hoạ sĩ của ông.
Học Hội Hoạ và Tác Phẩm Đầu Tay
Monet bắt đầu chính thức học môn hội hoạ vào năm 1851 khi ông theo học tại trường trung học nghệ thuật ở Le Havre. Ông được người thầy là Jacques-François Ochard, một học trò của họa sĩ tân cổ điển nổi tiếng của Pháp Jacques-Louis David, hướng dẫn. Tuy nhiên, phong cách truyền thống của Ochard không thu hút được sự quan tâm của Monet, vì Monet đang dần hướng tới những hình thức biểu hiện hiện đại hơn. Chỉ khi gặp Eugène Boudin, một họa sĩ phong cảnh, người đã giới thiệu cho ông về việc vẽ ngoài trời (en plein air), niềm đam mê hội hoạt hực sự của Monet mới được khơi dậy. Ảnh hưởng của Boudin rất quan trọng trong việc định hình cách tiếp cận của Monet trong việc nắm bắt ánh sáng và màu sắc tự nhiên, là những chủ đề trở thành cốt lõi trong các tác phẩm sau này của ông.
Năm 1859, Monet chuyển đến Paris để theo đuổi sự nghiệp hội hoạ, ghi danh vào Học Viện Suisse, nơi ông gặp gỡ những hoạ sĩ cùng chí hướng như Camille Pissarro. Các tác phẩm đầu tay của Monet từ thời kỳ này cho thấy sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ trường phái Barbizon, đặc biệt là ở sự tập trung vào quang cảnh thiên nhiên.
Những Bức Tranh Ấn Tượng Đầu Tiên
Vào những năm 1860, Monet bắt đầu phát triển phong cách độc đáo của mình, tách khỏi lối vẽ chi tiết và truyền thống của nghệ thuật hội họa đang chiếm ưu thế trong giới hội hoạ tại Pháp. Tác phẩm “Ấn Tượng, Mặt Trời Mọc” (1872) của ông thường được coi là bức tranh đã đặt tên cho phong trào Ấn Tượng. Tác phẩm này, mô tả cảng Le Havre trong ánh sáng ban mai, đặc thù trong nét cọ lỏng lẻo, tập trung vào hiệu ứng ánh sáng, và không tuân thủ các đường nét và hình thức chính xác của các phong cách hội hoạ trước đó. Sự nhấn mạnh của Monet vào tâm điểm “ấn tượng” của một khoảnh khắc, thay vì mô tả chi tiết và hiện thực, đã đánh dấu một sự thay đổi cách mạng trong nghệ thuật hội hoạ.
Năm 1874, Monet cùng các nghệ sĩ cùng chí hướng như Pierre-Auguste Renoir, Edgar Degas, và Alfred Sisley tổ chức triển lãm của trường phái Ấn Tượng đầu tiên. Triển lãm này nhận được những đánh giá trái chiều, với một số nhà phê bình chế giễu các tác phẩm là “những bản phác thảo chưa hoàn tất”. Mặc dù bị chỉ trích ban đầu, phong trào Ấn Tượng dần dần được chấp nhận, và Monet trở thành một trong những nhân vật hàng đầu của trường phái này.
Nghệ Thuật Ấn Tượng và Loạt Tranh Hoa Súng
Khi sự nghiệp của Monet phát triển, ông tiếp tục khám phá các chủ đề về ánh sáng, màu sắc và quang cảnh thiên nhiên. Vào những năm 1880 và 1890, ông đã đi nhiều nơi, vẽ tranh ở các địa điểm như London, Venice và Riviera của Pháp. Những loạt tranh của ông, chẳng hạn như “Những Đống Rơm,” “Nhà Thờ Rouen,” và “Hàng Cây Bạch Dương,” thể hiện sự say mê của ông với hiệu ứng ánh sáng và không gian thay đổi theo thời gian và điều kiện thời tiết khác nhau.
Năm 1883, Monet định cư tại Giverny, nơi ông tạo ra những khu vườn tuyệt đẹp và trở thành nguồn cảm hứng chính cho các tác phẩm sau này của ông. Hồ hoa súng, cầu Nhật Bản, và thảm thực vật phong phú của khu vườn đã cung cấp vô số đề tài cho các bức tranh của ông. Loạt tranh “Hoa Súng” của Monet, được ông nâng niu suốt ba thập kỷ cuối đời, có lẽ đây là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông. Những bức tranh này, với sự tập trung vào sự phản chiếu và màu sắc trong nước, là những kiệt tác của vẻ đẹp trừu tượng, gần như thiền định. Loạt tranh này đạt đỉnh cao trong các bức tranh khổ lớn hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Orangerie ở Paris, được coi là một trong những thành tựu lớn nhất của hội hoạ vào thế kỷ 20.
Những Năm Cuối Đời và Di Sản
Những năm cuối đời của Monet đánh dấu bởi những khó khăn tinh thần, bao gồm cái chết của người vợ thứ hai, Alice Hoschedé, vào năm 1911, và chính cuộc chiến đấu của ông với bệnh đục thủy tinh thể, ảnh hưởng đến khả năng nhìn và vẽ của ông. Mặc dù gặp phải những khó khăn này, Monet vẫn tiếp tục làm việc với quyết tâm và đam mê. Bệnh cườm mắt (cataracts) đã ảnh hưởng đến bảng màu trong các tác phẩm sau này; gam màu trở nên ấm hơn và có tông màu đỏ hơn, nhưng ngay cả khi thị lực bị suy giảm, ông vẫn duy trì sự tận tụy với nghệ thuật hội hoạ.
Claude Monet qua đời vào ngày 5 tháng 12 năm 1926, hưởng thọ 86 tuổi tại Giverny. Ông được chôn cất tại nghĩa trang của làng, và ngôi nhà cùng khu vườn của ông cuối cùng đã được bảo tồn và trở thành một bảo tàng.
Di sản của Monet là vô cùng vĩ đại. Ông được xem là một trong những nhân vật sáng lập của trường phái Ấn Tượng và là một trong những họa sĩ quan trọng nhất trong lịch sử nghệ thuật. Cách tiếp cận sáng tạo của ông đối với màu sắc, ánh sáng và nét cọ đã có tác động sâu sắc đến các thế hệ hoạ sĩ tiếp theo, bao gồm cả trường phái Hậu Ấn Tượng và trường phái Biểu Hiện Trừu Tượng. Ngày nay, các tác phẩm của Monet được tôn vinh trên toàn thế giới, và những đóng góp của ông cho thế giới hội hoạ tiếp tục truyền cảm hứng và thu hút khán giả.
-Phượng Vỹ-