Chăm Sóc Sức Khoẻ, Sức Khỏe

Triệu Chứng và Dấu Hiệu của Cơn Đột Quỵ Nhẹ


Cơn đột quỵ nhẹ, hay còn gọi là cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA), là sự gián đoạn tạm thời của dòng máu tới não, tủy sống hoặc võng mạc kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn—thường ít hơn 24 giờ—mà không gây tổn thương vĩnh viễn. Đây là một dấu hiệu rằng một cơn đột quỵ nghiêm trọng có thể xảy ra trong tương lai. Nhận biết sớm cơn đột quỵ nhẹ có thể phòng ngừa nguy cơ bị đột quỵ nghiêm trọng hơn sau này.

Triệu Chứng và Dấu Hiệu của Cơn Đột Quỵ Nhẹ
Các triệu chứng của TIA tương tự như đột quỵ, nhưng chúng sẽ nhanh chóng biến mất. Các dấu hiệu phổ biến bao gồm:

  • Yếu hoặc tê đột ngột: Thường ở mặt, cánh tay, hoặc chân, đặc biệt là ở một bên cơ thể.
  • Khó khăn khi nói chuyện: Nói lắp hoặc khó hiểu khi giao tiếp.
  • Thay đổi thị giác bất ngờ: Mất thị lực ở một hoặc cả hai mắt, hoặc nhìn thấy hai hình.
  • Chóng mặt hoặc mất thăng bằng: Khó đi bộ hoặc mất phối hợp.
  • Rối loạn đột ngột: Khó suy nghĩ rõ ràng hoặc mất phương hướng.
  • Đau đầu dữ dội: Điều này ít phổ biến hơn ở TIA so với đột quỵ nghiêm trọng toàn diện.

Gọi Dịch Vụ Cấp Cứu
Nếu bất kỳ triệu chứng nào xảy ra, cần nhanh chóng hành động, ngay cả sau khi những triệu chứng biến mất. Gọi dịch vụ cấp cứu ngay lập tức (ở Mỹ, gọi 911) vì bạn không thể phân biệt được giữa TIA (đột quỵ nhẹ) và đột quỵ toàn diện cho đến khi được bác sĩ khám nghiệm. Được khám nghiệm và giúp đỡ trong “khoảng thời gian vàng” (trong vòng 3 giờ sau khi xuất hiện triệu chứng) rất quan trọng đối với việc điều trị.

Chẩn Đoán và Điều Trị
Chẩn Đoán:

  • Tiền sử bệnh và khám bệnh: Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng của bạn và xem xét kỹ các dấu hiệu của cơn đột quỵ nhẹ.
  • Chụp hình ảnh não: Chụp CT hoặc sử dụng MRI để xác nhận xem có xảy ra đột quỵ hay TIA và đánh giá xem có tổn thương nào ở não không.
  • Thử nghiệm máu: Những xét nghiệm này được sử dụng để kiểm tra mức cholesterol, lượng đường trong máu và các yếu tố đông máu.
  • Siêu âm động mạch: Phương pháp này đánh giá các động mạch ở cổ để kiểm tra xem có tắc nghẽn hoặc bị hẹp không.
  • Siêu âm tim: Một xét nghiệm để biết tim có vấn đề gì có thể gây ra máu đông cục và di chuyển lên não không.
  • Điện tâm đồ (ECG): Đo hoạt động điện của tim để biết các nhịp tim không đều (như rung nhĩ).

Điều Trị:

  • Thuốc chống kết tập tiểu cầu (Antiplatelet medications): Các loại thuốc như aspirin hoặc clopidogrel (Plavix) giúp ngăn ngừa máu đông cục (blood clots).
  • Thuốc chống đông máu (Anticoagulants): Nếu bạn có rung nhĩ (atrial fibrillation ) hoặc các tình trạng liên quan đến đông máu cục, có thể sẽ được kê toa thuốc làm loãng máu như warfarin hoặc các loại thuốc mới như apixaban (Eliquis).
  • Kiểm soát huyết áp: Huyết áp cao là yếu tố nguy cơ lớn đối với đột quỵ, do đó có thể cần dùng thuốc để kiểm soát.
  • Thuốc hạ cholesterol: Các loại thuốc như atorvastatin (Lipitor) có thể giảm mức cholesterol và ngăn ngừa sự hình thành mảng bám trong động mạch (formation of plaques).
  • Thay đổi lối sống: Ăn uống lành mạnh hơn, tập thể dục thường xuyên, bỏ thuốc lá và giảm lượng rượu tiêu thụ rất quan trọng để giảm nguy cơ đột quỵ.
  • Cần mổ (phẫu thuật): Trong một số trường hợp như cắt bỏ mảng bám động mạch cảnh – carotid endarterectomy (loại bỏ mảng bám khỏi động mạch cảnh) hoặc nong mạch – angioplasty (mở rộng động mạch bị hẹp) có thể là giải pháp cần thiết.

Nguyễn Duy Khiêm-

Nguồn:

Một số nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng sự chữa trị kịp thời sau TIA:

  • Nghiên cứu EXPRESS (2007) cho thấy rằng điều trị ngay sau TIA giảm nguy cơ đột quỵ lớn lên đến 80% trong vòng 90 ngày tiếp theo.
  • Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Lancet Neurology (2021) nhấn mạnh rằng nhập viện sớm sau TIA có thể giảm đáng kể nguy cơ đột quỵ tiếp theo.
  • Nghiên cứu của Hiệp Hội Đột Quỵ Hoa Kỳ cho thấy hơn 30% người bị TIA cuối cùng sẽ bị đột quỵ nếu không được điều trị phù hợp.

Bằng cách nhận biết các dấu hiệu cảnh báo và tìm kiếm sự chăm sóc y tế kịp thời, những người trải qua cơn đột quỵ nhẹ có thể giảm đáng kể nguy cơ bị đột quỵ toàn diện (full stroke).