Pierre-Auguste Renoir là một trong những họa sĩ nổi tiếng nhất của thế kỷ 19, được biết đến với những bức tranh sống động và tràn đầy ánh sáng. Sinh ngày 25 tháng 2 năm 1841, tại Limoges, Pháp, Renoir lớn lên trong một gia đình lao động. Cha và mẹ ông là thợ may. Khi Renoir còn nhỏ, gia đình ông chuyển đến Paris, nơi ông đã trải qua phần lớn thời thơ ấu. Renoir sớm bộc lộ tài năng vẽ và sự yêu thích nghệ thuật. Tuy nhiên, do điều kiện tài chính, ông không thể ngay lập tức theo đuổi đào tạo chính thức về nghệ thuật.
Thời Thơ Ấu và Sự Đào Tạo
Hành trình nghệ thuật của Renoir bắt đầu một cách khác thường. Ở tuổi mười ba, ông trở thành thợ học việc tại một xưởng sản xuất đồ sứ, nơi ông học vẽ các thiết kế tinh tế trên đồ sứ cao cấp. Tài nghệ của ông gây được sự chú ý nên ông sớm được giao nhiệm vụ tạo ra các thiết kế phức tạp và tinh vi hơn. Kinh nghiệm này không chỉ giúp ông rèn luyện kỹ năng kỹ thuật mà còn làm nảy sinh trong ông đam mê màu sắc tươi sáng và các yếu tố trang trí. Sau khi xưởng làm đồ sứ đóng cửa vào năm 1858, Renoir quyết định theo đuổi nghệ thuật hội hoạ. Ông ghi danh vào trường École des Beaux-Arts vào năm 1862 dưới sự dẫn dắt của họa sĩ người Thụy Sĩ Charles Gleyre, nơi ông gặp các bạn học Claude Monet, Alfred Sisley và Frédéric Bazille, là những người sau này trở thành các nhân vật chủ chốt trong trường phái Ấn Tượng.
Những Tác Phẩm Đầu Tay và Sự Trỗi Dậy của Trường Phái Ấn Tượng
Vào những năm đầu thập niên1860, Renoir bắt đầu sản xuất các bức tranh phản ảnh tài nghệ của ông, được biểu hiện qua phong cách chi tiết và hiện thực. Tuy nhiên, tình bạn với Monet, Sisley và Bazille đã dẫn ông thử nghiệm các cách tiếp cận mới trong ngành hội họa. Lấy cảm hứng từ các kỹ thuật sáng tạo của những nghệ sĩ này và các quang cảnh tự nhiên rực rỡ mà họ tìm cách dùng làm tụ điểm, Renoir bắt đầu thoát khỏi các quy ước của nghệ thuật hội hoạ.
Các tác phẩm đầu tiên của Renoir, chẳng hạn như “La Grenouillère” (1869), được vẽ cùng với Monet, thể hiện sự quan tâm của ông trong việc chú tâm vào các hiệu ứng ánh sáng và không khí. Ông bắt đầu thử nghiệm với cách vẽ lơi và màu sắc sáng, không pha trộn, tập trung vào các cảnh giải trí và cuộc sống hiện đại. Những tác phẩm này đã đặt nền tảng cho trường phái Ấn Tượng, chú tâm vào các hiệu ứng thoáng qua của ánh sáng và màu sắc thay vì các chi tiết chính xác của một cảnh quan.
Tham Gia Trường Phái Ấn Tượng
Renoir nhanh chóng trở thành một trong những nhân vật hàng đầu của phong trào Ấn Tượng, phong trào đã tổ chức cuộc triển lãm đầu tiên vào năm 1874. Các bức tranh của ông trong thời kỳ này như “Dance at Le Moulin de la Galette” (1876) và “Luncheon of the Boating Party” (1881), được coi là kiệt tác của trường phái Ấn Tượng. Các tác phẩm này đặc thù màu sắc rực rỡ, bố cục sống động và miêu tả vui tươi của cuộc sống Paris hiện đại. Khả năng của Renoir trong việc nắm bắt sự chuyển động của ánh sáng và bóng tối, cũng như sự chuyển động và sức sống của đối tượng, đã khiến ông trở thành một trong những nghệ sĩ được yêu mến nhất thời đại bấy giờ.
Mặc dù thành công, Renoir cảm thấy không hài lòng với những giới hạn của trường phái Ấn Tượng vào giữa những năm 1880. Ông cảm thấy rằng sự nhấn mạnh của phong trào vào tính tự phát và cách vẽ “lỏng lẻo” đã bỏ qua các khía cạnh qui củ của hội họa, chẳng hạn như bố cục và hình thức. Sự tìm kiếm của Renoir về cách tiếp cận nghệ thuật có cấu trúc hơn đã dẫn ông đến việc nghiên cứu các tác phẩm của các bậc thầy cổ điển, đặc biệt là các họa sĩ thời Phục Hưng là Raphael và Titian.
Từ Chối Trường Phái Ấn Tượng và Các Tác Phẩm Về Sau
Vào những năm cuối thập niên 1880, Renoir đã rời bỏ phong cách Ấn Tượng, tiếp cận hội họa cổ điển. Thời kỳ này, thường được gọi là “thời kỳ Ingres” của ông, được đánh dấu bằng sự tập trung vào đường nét, hình thức và miêu tả hình thể con người. Các tác phẩm như “The Large Bathers” (1887) thể hiện sự quan tâm của Renoir đối với cấu trúc của hình thể con người, cũng như sự ngưỡng mộ của ông đối với truyền thống của nghệ thuật cổ điển.
Tuy nhiên, các tác phẩm sau này của Renoir vẫn giữ màu sắc rực rỡ và sự gợi cảm đặc thù trong những bức tranh trước đó của ông. Thay vào đó, ông kết hợp cách tiếp cận có kỷ luật với bảng màu tươi sáng của các tác phẩm Ấn Tượng của mình, tạo ra một sự tổng hợp độc đáo giữa các phong cách. Các bức chân dung, hình ảnh khỏa thân và cảnh sinh hoạt gia đình từ thời kỳ này, chẳng hạn như “Gabrielle with a Rose” (1911), phản ảnh phong cách trưởng thành của Renoir.
Những Năm Cuối Đời và Di Sản
Trong những năm cuối đời, Renoir bị viêm khớp nặng, khiến việc vẽ tranh trở nên ngày càng khó khăn. Mặc dù vậy, ông vẫn tiếp tục sáng tạo nghệ thuật, thích ứng với những hạn chế thể chất của mình bằng cách buộc cọ vẽ vào tay. Sự quyết tâm và đam mê hội họa của ông vẫn không hề suy giảm cho đến khi ông qua đời vào ngày 3 tháng 12 năm 1919.
Di sản của Renoir, một hoạ sĩ được ca ngợi là một trong những người tiên phong của trường phái Ấn Tượng, một bậc thầy về màu sắc và hình thức. Khả năng của ông trong việc biểu hiện vẻ đẹp của cuộc sống hàng ngày, sự nồng ấm của các mối quan hệ con người, và niềm vui của cuộc sống đã để lại một tác động lâu dài trong thế giới hội hoạ. Các tác phẩm của Renoir tiếp tục được ngưỡng mộ vì sự sống động, thanh lịch và sức hấp dẫn được thử thách bởi thời gian, đặt ông vào vị trí trong số những bậc thầy vĩ đại của nghệ thuật hội hoạ phương Tây.
-Lê Nguyễn Thanh Phương-