Ernest Hemingway, một trong những nhà văn có ảnh hưởng nhất của Hoa Kỳ vào thế kỷ 20, sinh ngày 21 tháng 7 năm 1899 tại Oak Park, Illinois. Cuộc đời ông, thường gắn liền với những sự kiện lớn của thời đại, ảnh hưởng sâu sắc đến các tác phẩm văn học của ông với những chủ đề như chiến tranh, tình yêu và mất mát. Phong cách viết giản dị, đặc trưng của Hemingway và chiều sâu, cảm xúc trong các nhân vật trong truyện đã đặt ông vào hàng ngũ tượng đài văn học.
Thời Thơ Ấu và Đệ Nhất Thế Chiến
Những năm đầu đời của Hemingway được định hình bởi tinh thần phiêu lưu và tình yêu thiên nhiên, bắt nguồn từ sự dạy dỗ của cha mẹ. Cha ông, một bác sĩ, đã dạy ông săn bắn, câu cá và yêu quí thiên nhiên, những trải nghiệm này được nhắc đến nhiều trong các tác phẩm của ông. Sau khi tốt nghiệp trung học, Hemingway làm báo trong một thời gian ngắn và Đệ Nhất Thế Chiến đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời ông.
Năm 1918, khi mới 18 tuổi, Hemingway tình nguyện làm tài xế xe cứu thương cho Hội Hồng Thập Tự ở mặt trận Ý. Một quả đạn pháo nổ khiến nhiều mảnh đạn cắm vào người và ông bị thương ở đầu gối vào tháng 7 năm 1918. Mặc dù bị thương, ông vẫn cố gắng đưa một người lính Ý bị thương đến nơi an toàn. Sau này ông được trao tặng Huy Chương Bạc Dũng Cảm của Ý. Những trải nghiệm trong chiến tranh đã để lại cho ông những vết thương tâm hồn và sau này hình thành nên tác phẩm văn học của ông, đặc biệt là tiểu thuyết Giã Từ Vũ Khí – A Farewell to Arms (1929).
Ảnh Hưởng của Chiến Tranh Trong “Giã Từ Vũ Khí”
Những kinh nghiệm cá nhân của Hemingway trong Đệ Nhất Thế Chiến đã trở thành nền tảng cho tiểu thuyết Giã Từ Vũ Khí, một câu chuyện diễn ra trong chiến dịch quân sự của Ý. Nhân vật chính, Trung úy Frederic Henry, phản ảnh những trải nghiệm của Hemingway khi ông tham gia trong quân đội và đóng ở Ý. Câu chuyện tình yêu giữa Henry và nữ y tá người Anh, Catherine Barkley, phản chiếu mối tình ngắn ngủi của Hemingway với Agnes von Kurowsky, một y tá mà ông gặp trong thời gian dưỡng bệnh. Tiểu thuyết khắc họa sự tàn bạo và vô nghĩa của chiến tranh, cũng như sự mong manh của tình yêu trong một thế giới bị xé nát bởi bạo lực. Tác phẩm Giã Từ Vũ Khí là một trong những tiểu thuyết chiến tranh vĩ đại nhất, đem lại cho Hemingway tên tuổi trong giới văn học.
Tình Yêu của Hemingway Dành Cho Tây Ban Nha và Đấu Bò
Sau chiến tranh, Hemingway làm phóng viên cho các tờ báo khác nhau và vào những năm 1920, ông chuyển đến Paris, nơi ông trở thành một phần của “Thế Hệ Mất Mát” (the “Lost Generation”) các nhà văn sống lưu vong. Những chuyến du lịch đã đưa ông đến Tây Ban Nha, nơi ông phát triển một tình yêu sâu đậm với văn hóa, đặc biệt là bộ môn đấu bò. Hemingway bị cuốn hút bởi bản chất nghi lễ của đấu bò, thứ mà ông coi là biểu tượng cho sự dũng cảm, danh dự và cái chết. Ông thể hiện sự say mê này trong tác phẩm phi hư cấu Tử Thần Vào Buổi Chiều – Death in the Afternoon (1932), một hành trình chi tiết về nghệ thuật và ý nghĩa của môn đấu bò. Tây Ban Nha trở thành quê hương thứ hai của Hemingway và những kinh nghiệm sống tại đây đã ảnh hưởng đến nhiều tác phẩm sau này của ông.
“Chuông Nguyện Hồn Ai” và Nội Chiến Tây Ban Nha
Tình yêu của Hemingway dành cho Tây Ban Nha không dừng lại ở văn hóa mà còn mở rộng đến con người và chính trị của đất nước này. Ông bị cuốn hút bởi bối cảnh xã hội và chính trị phức tạp của Tây Ban Nha, đặc biệt là trong thời kỳ Nội Chiến Tây Ban Nha (1936-1939). Hemingway làm phóng viên đưa tin về cuộc chiến và ông đứng về phe Cộng Hòa chống lại chế độ Phát Xít của Tướng Francisco Franco. Sự tàn bạo của cuộc chiến và ảnh hưởng đến đất nước Tây Ban Nha đã truyền cảm hứng cho tiểu thuyết Chuông Nguyện Hồn Ai (1940), kể về Robert Jordan, một chuyên gia chất nổ người Mỹ chiến đấu cùng với quân du kích Cộng Hòa. Tiểu thuyết thể hiện sự đồng cảm sâu sắc của Hemingway đối với những con người bị cuốn vào cuộc xung đột và sự thất vọng kinh hoàng của chiến tranh. Đây được coi là một trong những tác phẩm cứng rắn nhất của ông, nhấn mạnh các chủ đề về bổn phận, hy sinh và cuối cùng là cái chết.
Hemingway và Chiến Tranh: Đệ Nhị Thế Chiến
Mối quan hệ của Hemingway với chiến tranh không dừng lại ở cuộc Nội Chiến Tây Ban Nha. Trong Đệ Nhị Thế Chiến, ông làm phóng viên và có mặt tại nhiều sự kiện quan trọng, bao gồm cuộc đổ bộ D-Day ở Normandy và cuộc giải phóng Paris. Yêu thích phiêu lưu và khao khát được tham gia vào những sự kiện trọng đại nhưng việc tham gia vào Đệ Nhị Thế Chiến đã ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của ông. Heminway đã đưa những kinh nghiệm thời chiến của mình vào các truyện ngắn và tiểu thuyết.
Những Khó Khăn và Cái Chết của Hemingway
Cuộc sống sau này của Hemingway gắn liền với sự suy giảm cả về thể chất và tinh thần. Ông bị nhiều bệnh tật, bao gồm cao huyết áp, bệnh gan, và trầm cảm nặng, thêm vào đó là uống rượu và gặp nhiều tai nạn. Sức khỏe tâm thần của ông giảm sút nhanh chóng trong những năm 1950. Hemingway cũng bị ảnh hưởng sâu sắc bởi cái chết của những người bạn thân và những căng thẳng chính trị trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh (Cold War era), khiến ông ngày càng trở nên hoang tưởng và cô lập.
Mặc dù được nhận giải Nobel Văn Học năm 1954 cho sự nghiệp sáng tác, bao gồm tác phẩm Ngư Ông và Biển Cả – The Old Man and the Sea (1952), Hemingway vẫn gặp khó khăn trong việc viết lách và duy trì cuộc sống sôi động mà ông từng yêu thích. Những căn bệnh và sự đau khổ tinh thần đã khiến ông gục ngã. Sau nhiều nỗ lực điều trị trầm cảm, bao gồm cả liệu pháp sốc điện (electroshock therapy), Hemingway đã tự sát vào ngày 2 tháng 7 năm 1961 tại nhà riêng ở Ketchum, Idaho.
Di Sản
Hemingway để lại một di sản khá phức tạp. Ông là một nhà văn sáng tạo, được biết đến với lối viết súc tích và chân thực, cùng với cách khắc họa những cảm xúc phức tạp ẩn sau ngôn ngữ đơn giản. Phong cách viết của ông đã ảnh hưởng đến rất nhiều nhà văn và những chủ đề như nam tính, lòng can đảm và sự phá hủy của chiến tranh vẫn tiếp tục gây ấn tượng sâu đậm với độc giả trên toàn thế giới.
Hình ảnh lớn lao của Hemingway, được đánh dấu bởi tính yêu thích phiêu lưu, đấu bò, săn bắn, và chiến tranh, đã vẽ nên hình tượng “người hùng Hemingway,” một nhân vật stoic đối diện với những nghịch lý của cuộc sống với sự dũng cảm. Tuy nhiên, những khó khăn cá nhân, sức khỏe tâm thần và cái chết bi thảm của ông làm nổi bật sự mong manh đằng sau hình tượng đó.
Các tác phẩm của Hemingway, bao gồm Giã Từ Vũ Khí, Mặt Trời Vẫn Mọc, Chuông Nguyện Hồn Ai và Ngư Ông và Biển Cả, là những tác phẩm kinh điển của văn học Mỹ và ảnh hưởng của ông không chỉ giới hạn trong văn học mà còn định hình quan điểm về chủ nghĩa anh hùng, sự xung đột và cuộc sống con người trong thế kỷ 20.
Cuộc đời và tác phẩm của Ernest Hemingway là minh chứng của sức mạnh, sự trải nghiệm cá nhân giúp hình thành nghệ thuật, nhưng cũng nhấn mạnh về cái giá mà những kinh nghiệm đó ảnh hưởng đến tinh thần con người.
-Lê Nguyễn Thanh Phương-