Chứng sa sút trí tuệ là một thuật ngữ chung để chỉ sự suy giảm chức năng nhận thức, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày và khả năng tự lập. Nguyên nhân là do tổn thương các tế bào não, ảnh hưởng đến tư duy, trí nhớ, lý luận và hành động. Chứng sa sút trí tuệ không phải là một phần bình thường của quá trình lão hóa, mặc dù người cao niên bị ảnh hưởng nhiều.
Các Triệu Chứng của Chứng Sa Sút Trí Tuệ
Triệu chứng của chứng sa sút trí tuệ khác nhau tùy theo loại và mức độ tiến triển của bệnh, nhưng thường bao gồm:
- Mất Trí Nhớ: Quên các sự việc vừa xảy ra hoặc thông tin quan trọng.
- Khó Khăn Khi Giao Tiếp: Khó tìm từ ngữ thích hợp hoặc diễn đạt suy nghĩ.
- Suy Giảm Khả Năng Lý Luận và Phán Đoán: Quyết định kém hoặc không thể lập kế hoạch.
- Nhầm Lẫn: Mất phương hướng về thời gian, địa điểm hoặc nhận ra người khác.
- Thay Đổi Tính Tình và Tâm Trạng: Dễ bị kích động, lo lắng hoặc trầm cảm.
- Mất Động Lực: Khó bắt đầu công việc hoặc mất hứng thú với các hoạt động.
Khi chứng sa sút trí tuệ tiến triển, các triệu chứng này trở nên rõ rệt hơn, ảnh hưởng đến các chức năng cơ bản như đi lại, nuốt thức ăn, nước uống, và tự chăm sóc.
Chẩn Đoán Chứng Sa Sút Trí Tuệ
Chẩn đoán chứng sa sút trí tuệ thường bao gồm một loạt các xét nghiệm và đánh giá:
- Tiền Sử Y-Tế: Bác sĩ sẽ xem xét hồ sơ sức khoẻ của bệnh nhân, bao gồm những thay đổi trong hành vi và chức năng nhận thức.
- Các Bài Kiểm Tra Nhận Thức và Thần Kinh Học: Các bài kiểm tra như Mini-Mental State Examination (MMSE) để đánh giá trí nhớ, giải quyết vấn đề, kỹ năng ngôn ngữ v..v…
- Chụp Hình Não: Chụp MRI hoặc CT giúp xác định những thay đổi trong não, như sự co lại ở một số khu vực.
- Thử Nghiệm Máu: Xét nghiệm máu giúp loại trừ các nguyên nhân khác của triệu chứng, chẳng hạn như thiếu vitamin hoặc vấn đề về tuyến giáp.
- Kiểm Tra Thần Kinh Học: Kiểm tra thăng bằng, chức năng cảm giác và phản xạ, để xác định các vấn đề liên quan đến não bộ.
Những Phần Não Bộ Bị Ảnh Hưởng
Các loại sa sút trí tuệ khác nhau sẽ ảnh hưởng đến các phần khác nhau của não, thường bao gồm:
- Hippocampus: Quan trọng đối với trí nhớ.
- Thùy Trán (Frontal Lobes): Chịu trách nhiệm về việc ra quyết định, giải quyết vấn đề, và tính cách.
- Thùy Thái Dương (Temporal Lobes): Liên quan đến cảm giác và ngôn ngữ.
- Thùy Đỉnh (Parietal Lobes): Quan trọng đối với cách nhận thức không gian và phối hợp.
Những tổn thương nêu trên sẽ làm mất trí nhớ, nhầm lẫn, suy giảm chức năng nhận thức, và các triệu chứng chính của chứng sa sút trí tuệ.
5 Chứng Sa Sút Trí Tuệ Phổ Biến Nhất
- Bệnh Alzheimer: Loại phổ biến nhất, chiếm 60-80% các trường hợp sa sút trí tuệ. Sự hình thành các mảng và đám rối trong não, bắt đầu bằng việc mất trí nhớ trước khi tiến triển đến các khiếm khuyết nhận thức khác.
- Chứng Sa Sút Trí Tuệ Mạch Máu: Do giảm lưu lượng máu đến não, thường xảy ra sau một cơn đột quỵ. Triệu chứng bao gồm suy giảm khả năng phán đoán và khó khăn trong việc ra quyết định thay vì mất trí nhớ.
- Chứng Sa Sút Trí Tuệ Thể Lewy: Liên quan đến sự lắng đọng bất thường của protein (thể Lewy) trong não. Gây ảo giác thị giác, vấn đề về giấc ngủ, rối loạn chuyển động, và vấn đề trí nhớ.
- Chứng Sa Sút Trí Tuệ Thùy Trán-Thái Dương (FTD): Ảnh hưởng chủ yếu đến thùy trán và thùy thái dương, FTD liên quan đến những thay đổi lớn trong tính tình, hành vi, và khó khăn trong ngôn ngữ.
- Chứng Sa Sút Trí Tuệ Hỗn Hợp: Là sự kết hợp của hai hoặc nhiều loại, thường là Alzheimer và sa sút trí tuệ mạch máu. Triệu chứng có thể chồng chéo, khiến việc chẩn đoán trở nên phức tạp.
Phòng Ngừa và Chẩn Đoán Sớm Chứng Sa Sút Trí Tuệ
Mặc dù không có cách nào đảm bảo phòng ngừa hoàn toàn chứng sa sút trí tuệ, một số lựa chọn lối sống có thể giúp giảm nguy cơ và duy trì sức khỏe não bộ:
- Hoạt Động Trí Não: Tham gia vào các hoạt động dùng đến não bộ, như giải đố, đọc sách, học kỹ năng mới, có thể giúp duy trì chức năng nhận thức.
- Tập Thể Dục: Tập thể dục đều đặn cải thiện lưu lượng máu đến não và giảm các yếu tố nguy cơ như béo phì, tiểu đường, và cao huyết áp.
- Ăn Uống Lành Mạnh: Ăn nhiều trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt và chất béo lành mạnh (thực phẩm theo Địa Trung Hải – Mediterranian diet) có thể giúp sức khỏe não bộ.
- Tham Gia Sinh Hoạt Xã Hội: Duy trì các mối quan hệ xã hội và tham gia vào các hoạt động cộng đồng có thể giúp bảo vệ chức năng nhận thức.
- Kiểm Soát Các Rủi Ro Tim Mạch: Quản lý các bệnh như cao huyết áp, cholesterol và tiểu đường giúp giảm nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ mạch máu.
Chẩn đoán sớm là điều rất quan trọng để có kết quả tốt hơn và giảm chứng sa sút trí tuệ hiệu quả. Những người trải qua mất trí nhớ hoặc thay đổi nhận thức nên tìm tìm đến các cơ quan y- tế vì nếu được chẩn đoán, can thiệp sớm có thể giúp làm chậm sự tiến triển của triệu chứng.
-Phan Trần Hương-
Nguồn Tham Khảo và Nghiên Cứu Thêm
- Hiệp Hội Alzheimer – Chứng Sa Sút Trí Tuệ Là Gì?
- Viện Lão Khoa Quốc Gia (NIH) – Thông Tin Về Chứng Sa Sút Trí Tuệ
- Mayo Clinic – Tổng Quan Về Chứng Sa Sút Trí Tuệ
- Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) – Bảng Thông Tin Về Chứng Sa Sút Trí Tuệ
Thông tin này cung cấp cái nhìn toàn diện về chứng sa sút trí tuệ, từ các dấu hiệu ban đầu đến cách phòng ngừa.