Toni Morrison, tên khai sinh là Chloe Ardelia Wofford, sinh ngày 18 tháng 2 năm 1931 tại Lorain, Ohio, là một trong những tác giả có ảnh hưởng lớn nhất và được yêu mến nhất của Mỹ. Bà lớn lên trong một gia đình người Mỹ gốc Phi Châu thuộc tầng lớp lao động, nhưng giàu có với những câu chuyện về sự kiên cường, văn hóa dân gian và niềm tự hào dân tộc – điều mà sau này đã ảnh hưởng sâu sắc đến giọng văn của bà. Morrison say mê văn học từ nhỏ. Bà học rất giỏi và sau khi tốt nghiệp trung học, bà tiếp tục học chuyên ngành Anh Ngữ tại đại học Howard, tốt nghiệp bằng cử nhân vào năm 1953. Sau đó, bà tiếp tục học tại đại học Cornell và nhận bằng Cao Học Anh Ngữ (M.A in English) vào năm 1955, với chuyên đề về các tác phẩm của Virginia Woolf và William Faulkner.
Sự Nghiệp Biên Tập và Giảng Dạy
Sự nghiệp của Morrison trong lĩnh vực xuất bản và giảng dạy đã trở thành nền tảng cho những thành tựu sau này của bà với tư cách là một tác giả. Bà làm biên tập viên tại Random House ở New York, một trong số rất ít nữ biên tập viên da đen trong ngành xuất bản sách lớn hàng đầu của Hoa Kỳ. Tại đây, bà giúp đỡ nhiều nhà văn da đen nổi tiếng như Angela Davis và Gayl Jones và góp phần xuất bản các cuốn sách nói về kinh nghiệm sống của người Mỹ gốc Phi Châu. Công việc biên tập của bà đã góp phần định hình nền văn học của người Mỹ gốc Phi Châu, đưa những tiếng nói quan trọng lên hàng đầu. Bà cũng giảng dạy tại nhiều trường uy tín như Yale, Bard College và Princeton, nơi bà đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ sinh viên và khiến họ suy nghĩ sâu rộng về văn học, sắc tộc và bản sắc.
Tiểu Thuyết và Truyện Ngắn: Đưa Lịch Sử và Nhân Loại vào Tác Phẩm
Cuốn tiểu thuyết đầu tay của Toni Morrison, The Bluest Eye (1970), đã giới thiệu phong cách đặc biệt và sự tập trung vào cuộc sống nội tâm của phụ nữ Mỹ gốc Phi Châu. Sự bứt phá của bà đến với cuốn tiểu thuyết thứ ba, Song of Solomon (1977), đoạt Giải Thưởng Quốc Gia của Hiệp Hội Phê Bình Văn Học. Các tiểu thuyết của bà thường xoay quanh các chủ đề về nô lệ, sắc tộc, gia đình và tổn thương tâm lý, đào sâu vào các vết thương lịch sử và tâm lý của đời sống người Mỹ gốc Phi Châu. Tác phẩm nổi tiếng nhất của bà, Beloved (1987), kể câu chuyện rùng rợn về một người nô lệ bỏ trốn và hành trình tìm kiếm tự do của cô, và quá khứ luôn ám ảnh cuộc đời cô. Beloved đã được trao Giải Pulitzer, thể loại Tiểu Thuyết vào năm 1988, một tác phẩm nổi bật về ảnh hưởng tâm lý của thời kỳ nô lệ.
Năm 1993, Morrison trở thành người phụ nữ Mỹ gốc Phi Châu đầu tiên nhận Giải Văn Học Nobel. Bài phát biểu khi nhận giải của bà nhấn mạnh sức mạnh chuyển hóa của ngôn ngữ và nghệ thuật kể chuyện, củng cố niềm tin của bà về câu chuyện hình thành văn hóa, lịch sử và bản sắc. Các tác phẩm nổi tiếng khác của bà bao gồm Jazz (1992) và Paradise (1997), cả hai đều là một phần của bộ ba tác phẩm tiếp tục đào sâu về những câu chuyện phức tạp về cuộc sống và tinh thần người Mỹ gốc Phi Châu.
Cách Kể Chuyện về Chế Độ Nô Lệ và Cuộc Sống Người Mỹ Gốc Phi Châu
Các tác phẩm của Morrison đã tái định nghĩa chế độ nô lệ, phân biệt chủng tộc và trải nghiệm của người Mỹ gốc Phi Châu được thể hiện trong văn học. Bằng cách khám phá các chủ đề này với chiều sâu tâm lý và cảm xúc sâu sắc, bà đã thay đổi quan niệm về lịch sử người Mỹ gốc Phi Châu từ sự sống còn đơn thuần thành một bức tranh phức tạp của bản sắc, sự kiên cường và chấp nhận. Nhân vật của bà, vừa bị ám ảnh với quá vừa kiên cường vượt qua, thể hiện một sự thật sâu sắc về sự tồn tại của con người giữa sự bạo tàn và mất mát.
Sách Thiếu Nhi và Ảnh Hưởng Đến Phân Biệt Chủng Tộc Trong Trường Học
Vào đầu những năm 1990, Morrison bắt đầu viết sách thiếu nhi cùng con trai mình, Slade Morrison. Tác phẩm hợp tác đầu tiên của họ, The Big Box (1999), sử dụng nghệ thuật kể chuyện để khám phá các khái niệm về tự do, tự do thể hiện bản chất và sự kiên cường. Mặc dù các cuốn sách thiếu nhi của bà không nhắm trực tiếp vào việc chống phân biệt chủng tộc trong trường học, chúng mang đến cho trẻ em da đen những câu chuyện tôn vinh bản sắc và trải nghiệm, từ đó góp phần thay đổi văn hóa ảnh hưởng đến quan điểm về chủng tộc và giáo dục ở Hoa Kỳ.
Di Sản
Di sản của Toni Morrison vượt qua những thành tựu văn học của bà. Bà để lại một di sản gồm những tác phẩm tiếp tục truyền cảm hứng cho độc giả đối diện với sự thật về sắc tộc, quyền lực và ký ức. Văn chương của bà thách thức độc giả suy ngẫm về tổn thương của nhiều thế vì chế độ nô lệ và sự phong phú của bản sắc người Mỹ gốc Phi Châu. Morrison là một biểu tượng văn hóa, vượt trên sự nổi tiếng là một tác giả, đã tận tụy kể lại những câu chuyện của những người bị áp bức và giúp họ có tiếng nói cho những người bị lịch sử làm im tiếng – di sản thật sự quái báu của bà là người tiên phong trong văn học và niềm tự hào văn hóa người Mỹ gốc Phi Châu.
-Lê Nguyễn Thanh Phương-