Thánh Nicholas (Saint Nicholas), một giám mục thế kỷ thứ 4 ở Myra, nổi tiếng với lòng tốt và sự hào phóng, đặc biệt là đối với người nghèo và trẻ em. Là một vị thánh Kitô giáo, ngài đã trở thành biểu tượng của sự tận tụy và nguồn cảm hứng cho nhiều người. Truyền thống tặng quà bắt đầu ở châu Âu, nơi mọi người mừng lễ kính Thánh Nicholas bằng cách đặt các loại hạt, táo và kẹo trong những đôi giày để ngoài vào ngày lễ Thánh Nicholas, ngày 6 tháng 12.
Những Ảnh Hưởng Ban Đầu tại Thế Giới Mới
Khi người dân châu Âu di cư đến châu Mỹ, họ mang theo các truyền thống liên quan đến Thánh Nicholas. Chẳng hạn, Christopher Columbus đã đặt tên một cảng ở Haiti theo tên St Nicholas vào ngày 6 tháng 12 năm 1492, và người Tây Ban Nha đã thành lập khu định cư St. Nicholas Ferry ở Florida. Tuy nhiên, trong thời kỳ Cải Cách của giáo phái Tin lành, các vị thánh như Nicholas không được ưa chuộng, và các phong tục liên quan bị đàn áp bởi những người Thanh giáo ở Anh (Puritans) và các thuộc địa Mỹ thời kỳ tiên khởi.
Mặc dù vậy, hình ảnh của Thánh Nicholas vẫn tồn tại ở một số nơi tại châu Âu. Những người nhập cư người Đức ở Pennsylvania tiếp tục mừng lễ kính Thánh Nicholas, và những ảnh hưởng từ người Hoà Lan tại New York đã liên kết Thánh Nicholas với việc tặng quà. Theo thời gian, các truyền thống này hòa quyện với phong tục địa phương, đặc biệt là trong thời kỳ thuộc địa và cách mạng ở Hoa Kỳ.
Sự Tái Tạo tại Mỹ
Sau Cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ (American Revolution), người dân New York tự hào về di sản gốc Hoà Lan của họ, và những nhân vật như John Pintard và Washington Irving đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến hình ảnh Thánh Nicholas. Tác phẩm trào phúng của Irving vào năm 1809 miêu tả Thánh Nicholas như một nhân vật người Hoà Lan vui tươi, mang quà qua ống khói. Điều này đã đánh dấu sự chuyển biến từ hình ảnh vị giám mục thánh thiện sang một nhân vật vui nhộn hơn.
Sự biến đổi này tiếp tục với cuốn sách The Children’s Friend xuất bản năm 1821, giới thiệu “Sante Claus” đến trên một chiếc xe trượt tuyết kéo bằng tuần lộc biết bay, thưởng quà cho trẻ em ngoan và phạt những trẻ em không vâng lời. Hai năm sau, bài thơ nổi tiếng A Visit from St. Nicholas (thường được biết đến với tên The Night Before Christmas) của Clement Clarke Moore đã củng cố thêm hình ảnh này. Bài thơ miêu tả một nhân vật vui vẻ, mũm mĩm, mặc áo lông, mang niềm vui đến cho các gia đình vào đêm Giáng Sinh.
Sự Thay Đổi Văn Hóa và Ảnh Hưởng Nghệ Thuật
Vào giữa thế kỷ 19, các nghệ sĩ như Thomas Nast tiếp tục định hình hình ảnh ông già Noel thành một nhân vật tròn trịa, vui tính mà chúng ta quen thuộc ngày nay. Những minh họa của Nast trong thời Nội Chiến Hoa Kỳ miêu tả ông già Noel như một người ủng hộ liên bang, giúp nâng cao tinh thần binh sĩ. Đến cuối những năm 1800, trang phục đỏ, bộ râu dài và vai trò tặng quà của Thánh Nicholas đã được xác lập vững chắc.
Thương Mại Hóa Hình Ảnh Ông Già Noel
Thế kỷ 20 chứng kiến ông già Noel trở thành biểu tượng của sự thương mại hóa. Những quảng cáo của Haddon Sundblom cho Coca-Cola từ năm 1931 đến 1966 chuẩn hóa hình ảnh ông già Noel trong bộ đồ đỏ, cỡ người to lớn, như một biểu tượng của niềm vui ngày lễ và văn hóa “tiêu dùng”. Đến những năm 1950, ông già Noel xuất hiện khắp nơi trong quảng cáo, đại diện cho hàng loạt sản phẩm trong ngày lễ.
Quay Lại Với Nguồn Gốc Thánh Nicholas
Hiện nay có nhiều nơi rất quan tâm và muốn khôi phục hình ảnh Thánh Nicholas nguyên bản, là vị giám mục giàu lòng nhân ái, và đức tin vững chắc, truyền cảm hứng cho các gia đình, nhà thờ và trường học, chú trọng vào ý nghĩa tâm linh của Giáng Sinh—kỷ niệm ngày Chúa Giêsu ra đời. Hãy tưởng nhớ đến Thánh Nicholas là người thánh thiện và yêu mến người nghèo, cân bằng giữa chủ nghĩa vật chất với các giá trị nhân văn và tín ngưỡng.
Hành trình của Thánh Nicholas, từ một vị giám mục đáng kính đến một biểu tượng toàn cầu của niềm vui ngày lễ, là minh chứng cho sức mạnh bền bỉ của truyền thống và câu chuyện kể. Mặc dù hình ảnh của ngài đã phần nào thay đổi, nhưng tinh thần giúp người nghèo và yêu mến trẻ con vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho mọi người trên khắp thế giới.
-Phan Trần Hương-