Du Lịch, Phong Cách Sống

Chuyến Viếng Thăm Kinh Đô Ánh Sáng – Paris


PARIS – Chắc hẳn rất nhiều người ước mơ muốn được đến Paris – ít ra một lần trong đời để xem “Paris có gì lạ không em? để mai anh về giữa bến sông Seine…” để thật sự khi rời Paris mà vẫn quyến luyến nhớ nhung từng ngày“Ngày rời Paris anh hứa sẽ quay trở lại vì đã để quên con tim.…” Sông Seine, Paris không chỉ thấy trong thơ ca Việt mà ngay cả Bing Crosby – nổi tiếng khắp năm châu cũng viết thành lời:

She goes flowing, flowing, flowing
Through the open countryside
For she’s going, going, going
To meet Paris like a bride
And she’s cooing, cooing, cooing, cooing
Like the murmuring doves
For the Seine has gone a-wooing
And it’s Paris that she loves

Elle roucoule, coule, coule
Dès qu’elle entre dans Paris!
Elle s’enroule, roule, roule
Autour de ses quais fleuris!
Elle chante, chante, chante, chante,
Chante le jour et la nuit,
Car la Seine est une amante
Et son amant c’est Paris!

Jardin du Luxembourg 

Thế nên vào mùa thu nọ, tôi quyết phải đi cho biết “Kinh Đô Ánh Sáng – La Ville Lumière,” để ngắm vườn Luxembourg với sương rơi che phố mờ, để xem ga Lyon đèn vàng, cũng để ngắm buổi chiều sông Seine có gió lạnh về lập đông với dòng nước hững hờ và những con tàu Bateau-Mouche mui trần. Hẳn nhiên không thể bỏ qua Nhà Thờ Đức Bà để tìm xem Thằng Gù si tình có còn ở đó chăng? Và quan trọng hơn cả là ghé cây cầu tình yêu Pont Des Arts để hy vọng gắn một ổ khóa cho riêng ta với mình. 

Pont des Arts

Lên Đường
Vào một ngày San José khô hạn bỗng dưng có ti tí mưa, tôi lên máy bay trực chỉ hướng Đông. Chặng đầu tiên đáp ở New York, đổi máy bay, lấy thêm hành khách và bắt đầu chuyến vượt Đại Tây Dương để Đi Tây. Điều đáng nói ở đây là máy bay thì Made in USA, phi hành đoàn người Anh, toán tiếp viên là người Pháp, hành khách 99.9% là người Gô-Loa; lọt thỏm vào đó duy nhất một anh da vàng. Người Gô-Loa đi Mỹ chơi trong khi người Mỹ gốc Việt lại đi Tây cho biết.

Bỗng dưng chị da trắng ngồi bên cạnh, mặt lấm tấm tàn nhang, quay sang bắt chuyện: “Bonjour!” Vậy đúng chị là Đầm Gô-Loa rồi. “Hello!” tôi đáp. Mừng quá, vui quá vì từ đây đến bến đáp, tôi đã có bạn đồng hành, chuyện trò ôn lại tiếng Tây bị bỏ quên từ khi rời ngôi trường nhỏ ở Nha Trang. Chị nói tiếng Anh trọ trẹ giọng Pháp, tôi nói tiếng Pháp trọ trẹ giọng Mỹ, nhưng không sao vẫn còn hai tay để chỉ trỏ ra dấu. Ngôn ngữ bằng tay vậy mà dễ hiểu. Đôi bên thông cảm nhau ra rít. Chị kể ngày xửa ngày xưa có người bà con đi lính Lê Dương – nghe đâu có qua Đông Dương đánh giặc gì đó, rồi mất tích luôn. Tôi nghĩ bụng chắc anh này phải lòng một cô gái Việt – hệt như chàng phi công Mỹ đắm đuối cô gái Nhật trong Sayonara, rồi ở lại luôn chứ còn gì nữa. Chị nói đất nước “toa” bị ám quẻ hay sao mà chiến tranh liên tu bất tận? Chiến tranh là vì đất nước của chị qua nước tôi bao trọn gói cả đô hộ lẫn bảo hộ thì tất nhiên phải có chiến tranh giữa người thống trị và kẻ bị trị – nghĩ thế thôi chứ mới quen mà tranh cãi chi cho mất đoàn kết. Tôi lấy bánh đậu xanh mời chị nếm thử. “C’est bon,” chị nói.

Chị nói ào ào, tới tập, tía lia. Ngồi bên cạnh chả hiểu mô tê gì cũng gật gù ra vẻ thông cảm đắc chí tất tật, trong khi mắt nặng trĩu vì trái giờ. Khổ nỗi càng gật (vì ngủ gật) chị càng văng tiếng Tây hàng loạt. Chỉ có điều chị “Ah, Oui! Ah, Oui!” nhướng mắt, bĩu môi, ậm ừ hơi nhiều và nhún vai liên tục đến chóng cả mặt. Máy bay tắt đèn, chị hạ giọng xuống để khỏi làm phiền hàng xóm nhưng vẫn không tắt tiếng. Chị hỏi tôi có phải Chinois – Tàu không. Lạ nhỉ, hễ da vàng là phải Chinois sao? Tôi lắc đầu nói tôi là người Mỹ, cùng lúc móc cái thông hành bìa xanh có hình con ó vàng ra làm bằng. “Ah, Oui! Américain,” chị nói. Chị lại bảo da vàng sao lại là Mỹ được. Lúc đó tôi mới bởi vì rằng thì là tôi là người Mỹ gốc Việt. Chị lại gật gù “Ah, Oui!” và cười nhe hàm răng trắng đều, nằm dưới cái mũi Tây nhọn hoắt. Đợi chị quán triệt xuyên suốt điều tôi muốn truyền đạt xong, tôi mới ôn tồn giải thích rằng chị và tôi cũng là người đồng hương đó. Chị còn đang trợn tròn đôi mắt xanh biếc, hút hồn thì tôi chứng minh: này nhá ngày xưa lúc tôi đi học, mấy thầy cô bê nguyên si chương trình và sách học từ bên Tây sang bên Ta. Và cứ như thế cả lũ nhóc đầu đen con rồng cháu tiên chúng tôi mang họ Nguyễn, Trần, Phan … một mực đồng ca bài “Tổ tiên chúng ta là người Gô-Loa”* – trong đó có tôi. Bởi vậy ngày nay tôi mang quốc tịch Mỹ, công dân của tổ quốc Hoa Kỳ nhưng gốc tổ tiên là người Gaulois, mà ăn thì chỉ kết cơm trắng rau muống luộc cá kho, rặc nòi Bắc Kỳ 54’. Chị gật gù, bĩu môi ra vẻ đồng cảm với lối giải thích râu ông nọ cắm cằm bà kia.

Chiếc Boeing của hãng British Airways đáp xuống sân bay Orly trong mây mù dày đặc, mưa phùn lất phất – chuyện rất thường ngày như mọi ngày của mùa thu ướt át buốt giá Paris. Trong khi phi cơ từ từ lăn bánh vào bến đậu, tôi hồi hộp thích thú cho những ngày vui sắp tới. Quá sức phấn khởi nên bèn tuôn một tràng tiếng Ta làm chị Micheline ngồi bên cạnh há hốc mồm ú ớ: “C’est quoi ça?”

Paris có gì lạ không em?
Mai anh về em có còn ngoan
Mùa xuân hoa lá vương đầy ngõ
Em có tìm anh trong cánh chim …”

Phi cơ tắt máy, hành khách rủ nhau lục tục đứng dậy vươn vai. Chị Đầm bỗng nhiên nghiêng người ôm choàng anh da vàng – kề má, đúng phong tục rất Tây rồi nói “Ô-Rơ-Voa.” Mùi nước hoa thoang thoảng từ mái tóc vàng. Mãi đến lúc đó mới biết tên của người đồng hành ngồi sát bên suốt mười mấy tiếng đồng hồ là Micheline. Không lẽ thế là hết sao Micheline? Tôi đang mơ một cái hẹn đi cà-phê vỉa hè – café trottoir vào một ngày nào đó tại khu Saint-Germain-des-Prés chẳng hạn – nhưng chị Đầm quay lưng vội vã tiến ra cửa. Thế là từ nay cách xa nghìn trùng không thể có chuyện “Ngày rời Paris anh hứa sẽ quay trở lại.”

Tôi nhập cảnh bến cảng Paris nhẹ nhàng nhanh gọn. Ông Tây xét giấy tờ chẳng hỏi han gì ngoài hai chữ “Bienvenue.” Tôi nói: “Mẹc-Xi.”

Chuyến đi thăm “Kinh Đô Ánh Sáng” của tôi được khởi đầu bằng dĩa cơm bò lúc lắc và chai Tsingtao ướp lạnh tại một quán nhỏ trong Khu Phố Tàu chật chội chen chúc – Quận 13; Bolsa của Paris đây rồi.

Autrefois notre pays s’appelait la Gaule et les habitants s’appelaient les Gaulois.

-Đức Hà-
Viết riêng cho Huutri.org