Mấy người bạn của tôi nay người này, mai người khác cứ lần lượt rủ nhau từ giã cõi đời. Những người còn lại thì hồi hộp, thấp thỏm: “Bao giờ đến phiên mình?” Vẫn biết rằng có sinh thì phải có tử, nhưng chuyện gì xảy ra trước và sau đó vẫn là điều mà nhiều người thường hay băn khoăn, lo lắng.
Có hai quan niệm thông thường về tuổi già: Tuổi già đáng kính. Người già được kính trọng bởi “người đầu bạc thì khôn ngoan” (Khôn Ngoan 4: 7-15). Sách Châm ngôn viết: “đầu bạc là một triều thiên vinh dự” (16:31). Theo triết lý Phật Giáo thì: “Cha già là Phật Thích Ca. Mẹ già như thể Phật Bà Quan Âm.” Những người sống đức độ và có tư cách để đời kính phục, con cháu ngưỡng mộ. Hoặc tuổi già không nên nết. Những người tuy thể lý già nua, mà tư tưởng và lối sống lại thiếu trưởng thành và đức độ. Bị người đời coi thường và con cháu xa tránh.
Bản thân người già cũng có hai lối tự đánh giá: “Nhân lão tâm bất lão.” Những người sống lạc quan, sống thanh thản và hết mình với thời gian mà mình có được. Không nuôi những ý nghĩ chán chường, bi quan, hoặc hận đời. Hoặc ngược lại “Già trước tuổi!” Những người bi quan, chán nản, và ích kỷ. Họ nhìn đời, nhìn cuộc sống như một món nợ cần phải trả. Họ sống cô đơn, khép kín, buồn tẻ, và luôn có những suy nghĩ tiêu cực.
Do ảnh hưởng giáo dục, ảnh hưởng môi trường, ảnh hưởng xã hội cũng như tôn giáo, mỗi người nhận định hoặc nhìn đời bằng những góc nhìn và định giá khác nhau. Đó cũng là lý do tại sao có nhiều ý kiến, lời khuyên về cách suy nghĩ, cung cách ứng xử, cũng như lối sống của tuổi già. Nhưng già là gì? Thế nào gọi là tuổi già? Và chúng ta phải sống như thế nào khi bước vào tuổi già?
TUỔI GIÀ LÀ GÌ?
Tuổi già được cho là ở vào thời điểm gần hoặc bước vào sự ngưỡng mộ cuộc sống. Những người ở tuổi này được gọi là những vị cao niên, lão thành, bô lão, hoặc những người lớn tuổi, cao tuổi hay nhiều tuổi. Tuổi già không phải là một định nghĩa dựa theo sự thay đổi của cơ thể, chuyển đổi từ giai đoạn này qua giai đoạn khác, mặc dù ấn định của thời gian vẫn được cho là cái mốc của tuổi tác. Tuổi già trình bày trong bài viết này được trích dẫn tài liệu từ Wikipedia. [1]
Trong Luận Ngữ, Khổng Tử luận rằng “Ngũ thập tri thiên mệnh”, nghĩa là ở tuổi 50, con người có thể hiểu và nắm vững quy luật tự nhiên và xã hội, biết được xu thế của thời cuộc. Và khi bước vào tuổi 60 tức “Lục thập nhi nhĩ thuận”, là đạt đến mức độ tròn trịa về mặt tri hành, kiến văn và kinh nghiệm sống.
Về thể lý, tuổi già là thời gian suy thoái cơ thể, có nhiều triệu chứng bệnh tật như cao mỡ, cao máu, tiểu đường, thống phong, tim mạch… phải tùy thuộc vào những trợ giúp của y khoa, của xã hội. Đặc biệt nhất là giới hạn về khả năng của trí khôn do hội chứng Alzheimer, bệnh quên sót và lú lẫn, hoặc giới hạn khả năng giao tiếp xã hội, môi trường và cuộc sống chung quanh.
Xã Hội và Lịch Sử
Tư tưởng Tây Phương cho rằng “tuổi già xấu xí, thời gian yếu đuối và ảm đạm chuẩn bị cho ngày chết”. Mặc dù chết được coi như sự giải phóng của một kiếp người.
Xã hội có những suy nghĩ lẫn lộn về tuổi già, cho rằng nó vừa là nguồn sự khôn ngoan và vừa thiếu sót, kinh nghiệm và lầm lẫn, dũng lực và cam chịu.
Trong nhiều nền văn hóa, nói chung tuổi già vẫn được xem như yếu đuối, kém cỏi, bất lực, lẩm cẩm, cô đơn, và đôi khi khó tính. Người già hoặc là được kính trọng, nể vì, hoặc là chết trong cô đơn tùy theo mỗi tình huống. Mặc dù hoài nghi về các thần minh, Aristotle cũng đồng quan điểm không ưa gì người già. Trong Ethics (đạo đức học) của mình, ông viết rằng, “Tuổi già đáng thương; người già không nhận thức tình bạn vô vị lợi; chỉ tìm kiếm những gì có thể thỏa mãn những nhu cầu ích kỷ.”
Tâm Lý Xã Hội
Theo Tâm Lý Xã Hội, Erik Erikson trong “Những Giai Đoạn Phát Triển Tâm Lý Xã Hội” cho rằng con người được phát triển giữa một chuỗi 8 giai đoạn từ khi sinh ra, và tiếp tục cho đến hết cuộc đời. Ông đã phân loại tuổi già như thời gian của “Toàn vẹn vs Thất vọng” (Integrity vs. Despair), trong đó phần lớn người già hồi tưởng lại quá khứ.
Đối với những ai mà cuộc sống không thành công thì đây là thời gian cảm thấy đời họ như vô nghĩa, phí phạm và hối hận. Những người này sẽ sống với cảm giác đắng đót và thất vọng. Ngược lại, với những người hãnh diện về các thành quả của mình sẽ nhận thấy một cảm giác hoàn hảo. Tóm lại, đây là giai đoạn mà những người cao niên nhìn lại quá khứ với sự hối hận cũng như hài lòng. Những người già sẽ đạt tới sự khôn ngoan dù phải đối diện với sự chết. Vì đối diện với nó là một khả năng quan trọng cần có của tuổi già, để hướng tới trong cuộc sống mà không bị “dừng lại” với quá khứ. Cách thức đối diện và đón nhận này phản ảnh tiến trình dựa trên mức độ tâm lý xã hội.
Với những người ở tuổi 80 và 90, Joan Erikson thêm vào giai đoạn thứ 9 trong “The Life Cycle Completed: Extended Version.” Theo bà vì trạng thái hoàn hảo của giai đoạn 8 đề cập đến “một đòi hỏi gắt gao về những cảm giác của người cao niên” và sự Khôn Ngoan của giai đoạn này cũng đòi hỏi những khả năng mà ở giai đoạn 9 “thông thường không có”.
Newman & Newman cũng nêu lên cái gọi đó là “Trạng Thái Tuổi Già” (Elderhood) ở giai đoạn thứ 9. Chia người già thành hai nhóm: “Già trẻ trung” (young old), là những người khỏe mạnh có thể tự lập mà không cần sự giúp đỡ của người khác. Họ làm được những công việc tự bảo vệ sức khỏe của mình một cách độc lập. Ngược lại là những người “Già tuổi tác” (old old). Những người luôn lệ thuộc vào những dịch vụ chăm sóc vì yếu kém sức khỏe và bệnh tật.
Đối với những người Việt cao niên hải ngoại, theo Bác Sỹ Dương Xuân Huyên, thường xuyên sống trong trạng thái căng thẳng, cảm giác không thoải mái, vô dụng, mất ngủ, mệt mỏi, tâm lý bất ổn, và luôn nghĩ đến cái chết. [2] Một vị linh mục thức giả và uyên bác sinh thời đã có lần tâm sự với người viết: “Khi tôi còn khỏe mạnh và hoạt động, người ta đã phải làm hẹn để xin gặp tôi. Nhưng khi tôi đã về hưu, thì thỉnh thoảng có người đến thăm là tôi rất vui và cảm thấy an ủi!”
Tôn Giáo
Thông thường, người già ngoan đạo hơn người trẻ. Tại Hoa Kỳ, 90% người già gốc Mễ được cho là rất lặng lẽ và đạo đức. Theo kết quả khảo cứu của The Pew Research Center giữa người da màu và da trắng, 62% những người từ 65-74 và 70% những người 75 trở lên cho rằng tôn giáo “rất quan trọng”. 76% đàn bà và 53% đàn ông ở tuổi 65 tôn giáo rất quan trọng đối với họ, và 87% người da màu, 63% người da trắng cũng cho rằng tôn giáo “rất quan trọng”.
Những người 60 trở lên 25% đọc Thánh Kinh mỗi ngày, và trên 40% xem những chương trình tôn giáo trên truyền hình. Pew Research cũng cho thấy rằng những người 65 trở lên, 75% người da trắng và 87% người da mầu cầu nguyện mỗi ngày.
Về phương diện thực hành, những người già thường tham dự và sinh hoạt trong các đoàn thể tôn giáo, mặc dù họ thường gặp khó khăn khi di chuyển hoặc sức khỏe.
Việt Nam hiện có trên 26,5 triệu tín đồ tôn giáo, chiếm 27% dân số cả nước. Phật giáo chiếm số lượng nhiều nhất cả về tín đồ lẫn cơ sở thờ tự, kế đến là Công giáo [3], nhưng không có khảo cứu nào về đời sống tâm linh của những người cao niên.
NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA TUỔI GIÀ
Trong thế giới hiện tại, tuổi già dễ bị coi thường. Joan Erikson nhận định rằng “Những người già thường không được tôn trọng, bị bỏ ra rìa, và quên lãng. Họ bị đánh giá “như không còn sự khôn ngoan nhưng như hóa thân của sự nhục nhã”. Cái nhìn về tuổi già khỏe mạnh cũng khác nhau giữa các nền văn hóa. Nói chung, sức khỏe thể lý và những sinh hoạt xã hội là dấu hiệu của một tuổi già tốt.
Mặc dù thực sự là như thế nào, triết lý tuổi gì ít khi là chủ đề cho những thảo luận công cộng.
Những Hiểu Lầm
Khi Johnson và Barer khảo sát về “Đời sống qua 85 tuổi”, nhận thấy 24% những người từ 85 trở lên đã không thường xuyên có những cuộc trao đổi với các thành viên gia đình; nhiều vị còn sống lâu hơn cả những người trong gia đình họ. Ngoài ra, giảm thiểu hoạt động và những giao tiếp xã hội đối với những ai trên 85 không ảnh hưởng đến cuộc sống lành mạnh của họ. Sau cùng, thay vì bảo vệ chính kiến, người có tuổi vẫn cho thấy họ có khả năng thay đổi nhận thức và cảm xúc, cũng như thay đổi quan niệm bảo vệ về mình. Tuy nhiên:
- Người già cần có ít nhất một thành viên gia đình để nâng đỡ.
- Tuổi già cần những sinh hoạt có tính cách xã hội.
- “Hội nhập thành công” đòi hỏi người già thay đổi quan niệm về mình tùy theo tuổi tác.
Sự Giúp Đỡ:
Tại Hoa Kỳ năm 2008, 11 triệu người từ 65 trở lên sống cô đơn:
- 5 triệu (22%) từ 65-74 tuổi.
- 4 triệu (34%) từ 75-84 tuổi.
- 2 triệu (41%) từ 85 tuổi trở lên.
Từ đó dẫn đến nhu cầu chăm sóc người già trở nên cần thiết như cung cấp những dụng cụ và chương trình cho người cao niên. Căn bản là giúp người cao niên có thể tự mình làm được những việc thường ngày (activities of daily living – ADL). Ngoài ra còn cung cấp những phương tiện di chuyển, những bữa ăn, những dịch vụ chăm sóc chuyên môn và sinh hoạt tại các trung tâm cao niên (senior centers), các viện dưỡng lão (nursing home).
AN HƯỞNG TUỔI GIÀ
65 tuổi là thời điểm bắt đầu bước vào tuổi hưu trí tại nhiều quốc gia. Vì thế, những người ở tuổi này phải chuẩn bị để đối diện với những thực tế trước mắt như thời gian nhàn rỗi sau khi nghỉ hưu, cô đơn hoặc lão hóa.
Trong bài viết với chủ đề Tam Tự, tác giả Trầm Thiên Thu đã trích dẫn phân tích sau đây của Dick Lyles: “Gieo suy nghĩ, gặt hành động; gieo hành động, gặt thói quen; gieo thói quen, gặt tính cách; gieo tính cách, gặt số phận.” Rồi kết luận “Thế thì số phận là do mình tạo ra chứ không phải do Trời định”. Theo ông: Sự kết hợp giữa Đức và Tài sẽ tạo nên số phận, hay được gọi là định mệnh. [4]
Tóm lại, tuổi già ngoài một số giới hạn về thể lý, tâm lý, vẫn là thời gian mà ở một nghĩa tích cực, là hồng phúc do Thượng Đế ban cho từng người. Tuy nhiên, hưởng dùng ân huệ ấy như thế nào lại tùy vào suy nghĩ và hành động của mỗi người trong mỗi hoàn cảnh. Vì thế, khi Thượng Đế ban tặng chúng ta tuổi già, hãy đón nhận và vui hưởng. Với cái nhìn tâm linh, đây cũng là thời gian để chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi bước vào cõi vĩnh hằng. Sinh, lão, bệnh, tử. Đó là định luật tự nhiên.
Sống như thế nào, và chuẩn bị như thế nào cho ngày từ giã cõi đời là việc làm quan trọng nhất của tuổi già. Đối với những người cao niên có niềm tin tôn giáo, đây chính là thời gian để gần gũi với Thượng Đế, an tĩnh với những nhu cầu tâm linh. Nó cũng là thời gian để kết nối, sống hòa thuận với những người thân, bạn bè, và con cháu, để ngày từ biệt trần gian chúng ta ra đi trong thanh thản:
- “Tôi đã nhận được từ nơi Chúa. Bình an, niềm vui, với yêu thương:
Xin để lại anh em tất cả. Ca lên đi khúc hát chia tay.”
(Xin Để Lại Anh Em. Lm. Thiện Cẩm)
-Trần Mỹ Duyệt, Tiến Sĩ Tâm Lý-
Tài Liệu Tham hảo:
- https://en.wikipedia.org/wiki/Old_age
- Huyen Duong. Depression in the Elderly in Vietnamese Community in Orange County, California State University Fullerton, 2008.
- https://tuoitre.vn/cong-bo-sach-trang-ve-cac-ton-giao-o-viet-nam-20230309124756105.htm
- https://tramthienthu.blogspot.com/2017/09/tam-tu.html