Michelangelo di Lodovico Buonarroti Simoni, được tôn vinh là một trong những điêu khắc gia, hoạ sĩ vĩ đại nhất của thời Phục Hưng ở Ý (Italian Renaissance), sinh ngày 6 tháng 3 năm 1475 tại Caprese, Ý Đại Lợi. Cuộc đời và các tác phẩm của ông là những cột mốc quan trọng trong lịch sử nghệ thuật Tây phương, ông là bậc thầy trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật, bao gồm điêu khắc, hội họa, kiến trúc và thi ca. Hành trình nghệ thuật của Michelangelo được đánh dấu bằng nỗ lực không dừng để đạt đến sự hoàn hảo và khai phá chiều sâu của hình tượng con người, điều mà ông đã thể hiện một cách tuyệt đỉnh và sống động.
Cuộc Đời và Học Tập
Lớn lên ở Florence, những năm tháng đầu đời của Michelangelo được hình thành bởi sự sôi động nghệ thuật và văn hóa của thành phố này, trung tâm của hoạt động Phục Hưng. Từ khi còn nhỏ, ông đã bộc lộ năng khiếu hội họa nên được cha cho ông theo học dưới sự dẫn dắt của họa sĩ nổi tiếng Domenico Ghirlandaio. Mặc phòng hội hoạ của Ghirlandaio đã cung cấp cho ông nền tảng cơ bản về hội họa, nhưng Michelangelo lại đam mê điêu khắc hơn. Niềm đam mê này đã đưa ông đến Vườn Medici, nơi ông nghiên cứu tượng cổ điển và học hỏi dưới sự dìu dắt của nhà điêu khắc Bertoldo di Giovanni, một học trò của Donatello. Tại đây, Michelangelo đã phát triển tài năng điêu khắc cơ bản và tạo mối quan hệ với gia đình quyền lực Medici, những người bảo trợ sau này có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp của ông.
Các Kiệt Tác Điêu Khắc
Tài năng điêu khắc của Michelangelo được thể hiện qua các tác phẩm mang tính biểu tượng, nhấn mạnh đến sự chính xác về cấu trúc cơ thể (anatomical precision) và cảm xúc mãnh liệt của các nhân vật. Ở tuổi đôi mươi, ông đã tạo ra Pietà, một bức tượng mô tả Đức Mẹ Maria ôm thi thể của Chúa Giêsu được đặt tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, Rôma. Pietà là một thành tựu đáng kinh ngạc, cả trong sự biểu đạt nỗi đau lẫn khả năng biến khối đá cẩm thạch thành những hình tượng người sống động. Một tác phẩm quan trọng khác, David, càng thể hiện rõ tài năng của ông. Được tạo ra từ năm 1501 đến 1504, tượng David biểu trưng cho sức mạnh và lòng dũng cảm của tuổi trẻ. Tượng David trở thành biểu tượng của lý tưởng cộng hòa Florence và nổi tiếng với sự hoàn mỹ về cấu trúc cơ thể và tư thế đầy tràn sinh lực.
Vòm Nhà Nguyện Sistine
Dù Michelangelo thường được biết đến với tài điêu khắc, ông cũng là một bậc thầy hội họa. Năm 1508, Đức Giáo Hoàng Julius II đã yêu cầu ông vẽ vòm nhà nguyện Sistine, một dự án sau này trở thành một thành tựu nghệ thuật nổi tiếng nhất trong lịch sử. Dù ông không mấy “mặn mà” với hội hoạ vì ông chủ yếu là một nhà điêu khắc, tác phẩm này đã đưa ông trở thành một họa sĩ hàng đầu trong ngành hội hoạ. Hoàn thành năm 1512, vòm nhà nguyện Sistine gồm hơn 300 nhân vật, trong đó có chín cảnh từ Sách Sáng Thế, với Sự Sáng Tạo của Adam là điểm chính. Hình ảnh sống động của Thiên Chúa đưa tay ra ban sự sống cho Adam đã trở nên biểu tượng nổi tiếng, thể hiện vẻ đẹp và sự linh thiêng mà Michelangelo muốn truyền tải. Sự hiểu biết về cấu trúc cơ thể và kỹ thuật tạo hình của ông đã tạo nên các nhân vật đầy chân thực và sinh động, làm câu chuyện trong Kinh Thánh trở nên sống động.
Những Đóng Góp Kiến Trúc
Tài năng của Michelangelo còn được thể hiện trong lĩnh vực kiến trúc, nơi ông để lại dấu ấn sâu sắc tại thành Rôma. Được bổ nhiệm làm kiến trúc sư chính của Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô năm 1546, ông đã tái thiết kế phần lớn nhà thờ, bao gồm mái vòm lớn, một trong những kỳ công kiến trúc ấn tượng nổi bật nhất của thời Phục Hưng. Phong cách kiến trúc của Michelangelo kết hợp giữa sự hùng vĩ và tính thực dụng. Công trình Thư Viện Laurentian tại Florence và Nhà Nguyện Medici cũng thể hiện khả năng hài hòa giữa không gian, cấu trúc và chi tiết trang trí của ông, hiện thân của các lý tưởng kiến trúc Phục Hưng.
Tác Phẩm Cuối Đời và Thi Ca
Trong những năm cuối đời, Michelangelo tiếp tục tạo ra những tác phẩm có ảnh hưởng, bao gồm Ngày Phán Xét Cuối Cùng (The Last Judgment), một bức bích họa lớn trên tường bàn thờ của nhà nguyện Sistine. Được vẽ từ năm 1536 đến 1541, tác phẩm này tái hiện ngày phán xét cuối cùng của các linh hồn, thể hiện cảm xúc mãnh liệt và sự tương phản mạnh mẽ giữa ánh sáng và bóng tối. Khi tuổi già đến gần, Michelangelo quay sang thi ca để thể hiện cảm xúc của mình. Ông sáng tác các bài sonnet và madrigal chú trọng chủ đề đức tin, vẻ đẹp và sự trôi qua của thời gian. Những bài thơ của ông phản ảnh đời sống tâm linh sâu sắc và những đấu tranh nội tâm, thêm một khía cạnh nữa vào di sản của ông.
Di Sản và Ảnh Hưởng
Những đóng góp của Michelangelo cho nghệ thuật là sâu sắc và rộng lớn, thiết lập các tiêu chuẩn mới trong nghệ thuật Phục Hưng và truyền cảm hứng cho các thế hệ về hội hoạ và điêu khắc sau này. Những đổi mới của ông về cấu trúc cơ thể, chuyển động và biểu cảm đã ảnh hưởng đến các phong trào nghệ thuật tiếp theo, bao gồm phong cách Manierism và Baroque. Cuộc đời ông phản ảnh lý tưởng của thời Phục Hưng: một cuộc hành trình không ngừng tìm kiếm tri thức, sự hoàn hảo và khám phá tình trạng của con người. Michelangelo được nhớ đến như một trong những trụ cột của nghệ thuật Phục Hưng, một con người với lòng nhiệt thành cho nghệ thuật và nhân loại không bao giờ phai nhạt theo thời gian.
-Lê Nguyễn Thanh Phương-