Phong Cách Sống, Tâm Linh, Văn Hóa & Nghệ Thuật, Văn Hoá & Truyền Thống

Thánh Boniface và Cây Thông Giáng Sinh


Thánh Boniface (680–754), được biết đến trong lịch sử Giáo Hội như “Tông Đồ của Nước Đức,” nổi tiếng với công việc truyền giáo và ảnh hưởng sâu sắc của ngài trong việc truyền bá Kitô giáo ở nước Đức. Được tôn kính là một trong những nhà truyền giáo vĩ đại nhất sau Thánh Phaolô, di sản của Thánh Boniface không chỉ nằm ở những thành tựu giáo hội mà còn được ca tụng là người khởi xướng phong tục dùng cây thông trong mùa Giáng Sinh – một biểu tượng chính để mừng lễ Chúa Hài Đồng ra đời.

Nguồn gốc của câu chuyện này bắt đầu tại Anh, nơi một cậu bé tên là Winfrid đã bộc lộ một đức tin mạnh mẽ và lòng thánh thiện sâu sắc. Mặc dù cha mẹ phản đối, Winfrid đã quyết tâm dâng hiến cuộc đời mình cho Thiên Chúa bằng cách gia nhập Dòng Biển Đức. Lớn lên với khát vọng phụng sự, cậu cảm nhận một tiếng gọi không thể cưỡng lại được để rời tu viện và mang ánh sáng của Chúa Kitô đến cho người ngoại giáo Đức, giống như các tu sĩ đã đưa Kitô giáo đến Anh một thế kỷ trước.

Vào năm 716, được truyền cảm hứng từ nhiệt huyết truyền giáo của Đức Giáo Hoàng Grêgôriô II, Winfrid đã đến Rôma để tự nguyện trở thành một nhà truyền giáo. Đức Giáo Hoàng, cảm kích lòng nhiệt thành của linh mục trẻ, đã ủy nhiệm cha rao giảng Tin Mừng tại các vùng Thuringia, Bavaria, Franconia và Hesse. Để đánh dấu sứ mệnh vĩ đại này, Đức Giáo Hoàng đã ban cho Winfrid một tên mới: Boniface.

Hành Trình Truyền Giáo của Thánh Boniface
Được trang bị sứ mệnh thiêng liêng, linh mục Boniface đến Hesse (miền trung nước Đức) vào năm 721. Sự cuốn hút, đức tin không lay chuyển, và tài năng tổ chức xuất sắc đã giúp cha cảm hóa nhiều người ngoại giáo, bao gồm cả các thủ lĩnh quan trọng như Dettic và Deorulf. Để duy trì những nỗ lực của mình, linh mục Boniface đã thành lập các tu viện Dòng Biển Đức, đáng chú ý nhất là Tu viện Fulda nổi tiếng vào năm 744 – nơi trở thành trung tâm của đời sống tinh thần và giáo dục trong khu vực.

Tin tức về những thành tựu phi thường của Boniface nhanh chóng lan đến Rôma. Đức Giáo Hoàng Grêgôriô II, cảm động trước tiến triển của vị thừa sai, đã phong chức cha Boniface lên chức tổng giám mục, trao cho quyền lãnh đạo toàn bộ vùng phía đông nước Đức. Với nhiệm vụ mới này, Đức Tổng Giám Mục Boniface tiếp tục công việc của mình, củng cố đức tin Kitô giáo trong khu vực và cải tổ cấu trúc Giáo hội với sự hỗ trợ của triều đình Frankish.

Truyền Thuyết Về Cây Sồi Sấm Sét
Trong một trong những hành trình truyền giáo của mình, ĐTGM Boniface được biết mỗi mùa đông, dân làng Geismar có truyền thống tập trung quanh một cây sồi khổng lồ, được gọi là “Cây Sồi Sấm Sét,” dành để thờ thần Thor – vị thần sấm sét trong thần thoại Bắc Âu. Các nghi lễ tại nơi này vô cùng ghê rợn, bao gồm việc hiến tế một người sống, thường là một đứa trẻ, để làm hài lòng vị thần.

Kinh hoàng trước tập tục này và quyết tâm dẫn dắt dân làng đến với Chúa Kitô, ĐTGM Boniface quyết định chặt hạ Cây Sồi Sấm Sét. Những người ngoại giáo chế nhạo ý định của ngài, tuyên bố rằng Thiên Chúa của Kitô giáo không bao giờ có thể chiến thắng cây thiêng của họ. Không hề nao núng, ĐTGM Boniface cùng các bạn đồng hành đến Geismar vào đêm Giáng Sinh. Khi mọi người lo lắng về sự tiếp đón thù địch, ĐTGM Boniface trấn an họ bằng đức tin của mình.

Đứng trước dân làng, Boniface tuyên bố dõng dạc: “Đây là Cây Sồi Sấm Sét, và đây là Thánh Giá của Chúa Kitô, Đấng sẽ phá vỡ chiếc búa của vị tà thần Thor.” Với sự quyết tâm và niềm tin không lay chuyển vào Thiên Chúa, ĐTGM Boniface cầm rìu và chặt Cây Sồi Sấm Sét. Trước sự kinh ngạc của dân làng, cây khổng lồ ngã đổ một cách dễ dàng.

Giữa đống đổ nát của cây sồi, ĐTGM Boniface nhận thấy một cây thông nhỏ mọc gần đó. Quay sang dân làng, ngài sử dụng cây thông như một biểu tượng của đức tin Kitô giáo. Chỉ vào cây thông, ngài nói: “Cây nhỏ này, đứa con của rừng xanh, sẽ là cây thánh của các bạn trong đêm nay. Những lá xanh quanh năm của nó là dấu hiệu của sự sống đời đời, và những cành cây vươn lên trời nhắc chúng ta nhớ về thiên đàng. Hãy gọi nó là cây của Chúa Hài Đồng. Hãy quây quần quanh nó không phải trong rừng hoang, mà trong ngôi nhà của các bạn, nơi nó sẽ toả sáng những hành động yêu thương và món quà của lòng nhân ái.”

Sự kiện kỳ diệu này và lời giảng dạy của ĐTGM Boniface đã làm dân làng xúc động. Nhiều người đã theo Kitô giáo và được rửa tội ngay trong đêm đó.

Di Sản và Sự Tử Đạo
Thánh Boniface dành phần còn lại của đời mình để rao giảng Tin Mừng, tiếp tục xây dựng các nhà thờ và cải cách cộng đồng Kitô hữu tại Đức và Hoà Lan. Ngay cả khi đã già yếu, nhiệt huyết truyền giáo của ngài vẫn không suy giảm. Vào năm 754, khi đang ở Frisia, ĐTGM Boniface và các bạn đồng hành đã bị một nhóm người ngoại giáo vũ trang tấn công. Biết rằng cái chết đang gần kề, ĐTGM Boniface khuyên các bạn đồng hành không chống cự, nói rằng: “Hãy ngừng chiến đấu, các con của ta, và hãy từ bỏ bạo lực, vì Kinh Thánh dạy chúng ta không lấy ác báo ác mà phải làm điều lành.”

Những kẻ tấn công đã sát hại ĐTGM Boniface và các bạn đồng hành của ngài; họ trở thành những vị tử đạo của đức tin.

Phong Tục Cây Thông Giáng Sinh
Câu chuyện về Cây Sồi Sấm Sét và cây thông nhỏ nhanh chóng lan rộng, trở thành biểu tượng mạnh mẽ của chiến thắng của Chúa Kitô trước ngoại giáo. Qua nhiều thế kỷ, truyền thống sử dụng cây thông để mừng lễ Giáng Sinh đã ăn sâu vào văn hóa nước Đức. Đến thế kỷ 18, những người nhập cư Đức đã mang theo phong tục yêu quý này đến Tân Thế Giới.

Dù có nhiều truyền thuyết khác, bao gồm một câu chuyện liên quan đến Martin Luther, xuất hiện về nguồn gốc của cây thông Giáng Sinh, câu chuyện về Thánh Boniface vẫn là độc nhất vô nhị gắn liền với một nhân vật lịch sử có thật, người đã thay đổi dòng chảy của lịch sử. Đức tin không lay chuyển và cách sử dụng cây thông làm biểu tượng của thánh Boniface tiếp tục truyền cảm hứng cho hàng trăm triệu người, đặc biệt là trong mùa Giáng Sinh – khi cây thông trở thành biểu tượng cho hòa bình, hy vọng và sự sống đời đời.

-Lê Nguyễn Thanh Phương-